Top 5 dự án Defi thắng lớn trong Solana Grizzlython có gì hot?
Bài viết được thực hiện bởi bạn Phạm Diệp Linh - Superteam Vietnam Member
Solana Grizzlython Online Hackathon là cuộc thi toàn cầu do Solana Foundation tổ chức nhằm tìm kiếm và đưa các dự án mang tính đổi mới, tác động to lớn vào hệ sinh thái Solana.
Grizzlython là lần thứ 7 hackathon Solana được tổ chức, diễn ra từ 2/2/2023 đến 14/3/2023, tập hợp những người sáng lập và nhà phát triển từ khắp nơi trên thế giới, để cùng nhau ra mắt những sản phẩm trong các lĩnh vực Cơ sở hạ tầng, Thanh toán, DeFi, Di động, Trò chơi, DAOs, Người tiêu dùng Web3,...
Grizzlython chứng kiến hơn 10.000 người tham gia, với 813 dự án cuối cùng được nộp cho ban giám khảo, đánh dấu cột mốc cuộc thi hackathon Solana lớn nhất từ trước đến nay. Những tên tuổi lớn như: Stripe, Amazon Web Services, Monaco Protocol, SolanaFM, Brave, Solana Mobile, Superteam, EasyA và Hello Moon đã tham gia Solana Foundation, với tư cách là nhà tài trợ các hạng mục cho hackathon, cung cấp một nền tảng mạnh mẽ cho các đội nhóm trong hệ sinh thái Solana, để bắt đầu hành trình tiền mã hoá của họ.
Với 5 Triệu đô la bao gồm cả giải thưởng và cơ hội tài trợ vòng Hạt giống (Seed funding) từ những quỹ đầu tư hàng đầu như: A16z, Framework Ventures, Coinbase Ventures, ParaFi Capital, Dragonfly Capital,... Solana Grizzlython hứa hẹn sẽ là bệ phóng vững chắc cho các dự án tham gia và nhận giải.
Là một tín đồ của Defi, hẳn là nhiều bạn không thể nào bỏ qua Top 5 dự án chiến thắng hạng mục Defi của sự kiện hackathon hấp dẫn này:
Giải nhất - $30.000: DBL DEX
Giải nhì - $25.000: Sujiko
Giải ba - $20.000: Arbon
Giải bốn - $15.000: Slide Labs
Giải năm - $10.000: defiOS
Ở bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu, phân tích 5 dự án trên. Cơ hội và một vùng trời kiến thức vô cùng thú vị đang chờ bạn ở những phần tiếp theo...
1. DBL DEX
Đây là dự án đạt giải nhất với phần thưởng $30.000 trong hạng mục Defi
Giới thiệu
DBL DEX (DBL viết tắt của DouBLe) là sàn giao dịch phi tập trung đầu tiên sử dụng mô hình giao dịch “đấu giá kép (double auction)”.
Hiện nay có khá nhiều mô hình giao dịch được các sàn DEX sử dụng, như AMM, CLOBs,... Các mô hình giao dịch đều có những ưu, nhược điểm khác nhau và được phát triển để ngày càng tối ưu hơn cho người dùng. Tuy nhiên, có một vấn đề mà tất cả những mô hình giao dịch hiện tại chưa thể loại bỏ hoàn toàn, nhưng mô hình “đấu giá kép - double auction” của DBL DEX lại có thể khắc phục được.
Mô hình AMM, CLOB là gì? Mô hình đấu giá kép là gì? Cách hoạt động của những mô hình này và điều gì làm nên điểm khác biệt cho mô hình đấu giá kép? Hãy cùng mình tìm hiểu điều gì làm nên chiến thắng thuyết phục của DBL DEX ở phần tiếp theo.
Truy cập:
Trang chủ DBL DEX
https://dbldex.com/
Vấn đề đặt ra
Tổng quan về các mô hình giao dịch
Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu 2 mô hình phổ biến nhất hiện tại là AMM (Automated Market Maker) và CLBO (Central limit order book).
CLBO (Central limit order book - Sổ lệnh giới hạn trung tâm)
CLBO hay sổ lệnh giới hạn trung tâm là mô hình giao dịch rất phổ biến, hoạt động thông qua việc khớp lệnh giữa người mua và người bán ở mức giá tốt nhất tại một thời điểm nhất định.
Cách hoạt động
Giả sử Bob muốn bán 100 SOL ở giá $25, anh ấy sẽ đặt một lệnh bán với số lượng là 100, chọn mức giá $25, đây được gọi là “limit order". Lệnh của Bob sẽ được ghi nhận và hiển thị trên một “orderbook - sổ lệnh" cùng với nhiều lệnh khác. Khi đặt một limit order như vậy, Bob đã “vô tình" tham gia hoạt động “market making”. Người thực hiện Limit order như Bob được gọi là “maker".
Sàn giao dịch sẽ thực hiện khớp lệnh mua và bán tại mỗi mức giá tốt nhất trên sổ lệnh và các lệnh order được lấp đầy nhiều nhất có thể.
Bởi vì mức giá tốt nhất được lấp đầy nhưng vẫn còn nhiều lệnh đang chờ là $20.98, vậy nên lệnh của Bob không được khớp. Bob dần mất kiên nhất, và muốn bán ngay lập tức. Bob huỷ lệnh đang chờ của mình trên orderbook. Bob chuyển sang sử dụng lệnh “market" để “bán ngay” giá hiện có trên thị trường, dựa trên những lệnh đang chờ. Lệnh Bob được khớp ngay lập tức, người thực hiện lệnh market như Bob gọi là “taker.”
Sổ lệnh trong mô hình CLBO
Mô hình giao dịch này được sử dụng bởi các sàn giao dịch tập trung như Binance, Coinbase,... thậm chí các sàn giao dịch chứng khoán cũng sử dụng mô hình này.
Một số sàn DEX sử dụng mô hình này nổi tiếng hiện tại có thể kể đến DYDX, trên solana có Serum, Drift.
Nhược điểm
Quay trở lại ví dụ về Bob bán 100 SOL ở mức giá $25. Giả sử mức giả tốt nhất đang hiển thị là đúng $25, Bob dùng lệnh “market", bán ngay lập tức, nhưng Bob chỉ nhận về $2450 thay vì $2500, tức là Bob đã mất đi $50, tại sao vậy?
Hiện tượng Bob gặp phải là “chênh lệch giá”, khi giá dự kiến và giá thực sự giao dịch chênh lệch với nhau. Do khi số lượng lệnh ở giá $25 khớp hết nhưng vẫn chưa đủ số lượng Bob muốn mua, ở ví dụ này lệnh của Bob đã không được khớp bất kỳ số lượng nào, sàn giao dịch sẽ tự động khớp tiếp với các lệnh đang mở gần nhất cho đến khi đạt đủ số lượng mua mà Bob mong muốn, trong ví dụ này ở mức giá $24.5 đã khớp hết 100 SOL của Bob.
Qua ví dụ ta có thể thấy, mô hình CLOB xuất hiện chênh lệch giá khi lượng thanh khoản ít hoặc một người mua bán một lượng lớn token cùng một thời điểm.
Chênh lệch giá làm cho người dùng mất thêm chi phí khi giao dịch, đặc biệt là khi giao dịch một lệnh lớn hoặc token thanh khoản thấp
Để khắc phục việc này, người dùng phải chủ động giao dịch với các cặp giao dịch có thanh khoản lớn hoặc sử dụng lệnh limit order và đợi khớp lệnh.
AMM (Automated Market Maker - Tạo lập thị trường tự động)
AMM hay tạo lập thị trường tự động là mô hình giúp nhà giao dịch trao đổi tài sản thông qua thuật toán,tự động tính toán giá token tại thời điểm mua.
Cách hoạt động
Trong mô hình AMM, chúng ta có 2 thành phần chính tham gia là nhà giao dịch và nhà cung cấp thanh khoản.
Bob có nhu cầu trao đổi tài sản của mình từ SOL sang USDT => Bob là nhà giao dịch
Khi Bob tương tác với sàn giao dịch sử dụng AMM, thuật toán sẽ tự động tính toán giá token hiện tại, thông qua “pool thanh khoản" hiện có, Bob được nhận về USDT mong muốn.
Pool thanh khoản có chức năng lưu trữ 2 hoặc nhiều loại tài sản khác nhau, tuỳ vào mục đích và nhu cầu sử dụng.
Tài sản trong pool thanh khoản do “nhà cung cấp thanh khoản" nạp vào để nhận phí giao dịch của các nhà giao dịch khi họ thực hiện trao đổi tài sản trong pool.
Nhược điểm
Amm cũng mắc phải vấn đề trượt giá, khi lượng token người dùng giao dịch vượt quá hoặc chiếm phần lớn số lượng có trong pool thanh khoản.
Ví dụ Bob muốn trao đổi 900 token nhưng trong pool chỉ có 1000 token (số token trao đổi chiếm đến 90% số lượng trong pool đang có) thì mức trượt giá sẽ rất lớn.
Người dùng phải xem xét các cặp giao dịch có thanh khoản lớn để thực hiện trao đổi nếu muốn giảm thiểu mức độ trượt giá.
Giải pháp
DBL DEX đưa ra mô hình giao dịch “Đấu giá kép" để khắc phục nhược điểm chênh lệch giá và trượt giá trong giao dịch.
Mô hình giao dịch “Đấu giá kép - Double Auction”
Chúng ta sẽ tìm hiểu cách mô hình này hoạt động:
Quay với với Bob, sau khi bị mất tiền oan do trượt giá khi sử dụng các mô hình hiện có, Bob thử dùng DBL DEX xem có giúp ích được gì không.
Bob đặt một lệnh mua 10 DBL với giá $12.3
Khi lệnh của Bob được đặt, quy trình đấu giá được khởi chạy để xác định giá hiện tại, số lượng khớp, bên mất cân bằng và số lượng mất cân bằng. Thông tin này sẽ hiển thị cho tất cả các nhà giao dịch trong thời gian thực, cho phép họ phản ứng với sự mất cân bằng và cơ hội nắm bắt giá trị.
Chu kỳ đấu giá sẽ có 3 giai đoạn:
Giai đoạn mở đầu: Giống như tất cả các sàn giao dịch khác, người mua và người bán được tự do đặt và hủy hoặc thay thế lệnh trong giai đoạn này. Lệnh giao dịch phải bao gồm giá giới hạn và số lượng muốn giao dịch. Đây là giai đoạn dài nhất và có thể chiếm 75–90% chu kỳ đấu giá.
Giai đoạn xác định giá cả: Các lệnh đã đặt không thể bị huỷ trong giai đoạn này, các lệnh mới chỉ được phép nếu chúng làm tăng khả năng khớp lệnh và hỗ trợ việc xác định mức giá hợp lý.
Giai đoạn kết thúc: Thuật toán đấu giá DBL được chạy cho chu kỳ này và một mức giá duy nhất được xác định. Tất cả các lệnh mua và bán sẽ được khớp tại mức giá này, vậy nên không có chênh lệch giá. Giá cả cuối cùng được xác định bằng cách tối ưu hóa mức giá mà tại đó số lượng lệnh tối đa có thể được khớp. Bất kỳ lệnh nào chưa khớp, có thể được chuyển sang chu kỳ đấu giá tiếp theo hoặc trả lại cho nhà giao dịch.
Như vậy, bằng cơ chế đấu giá kép, DBL DEX sẽ giúp cho người dùng không mất một đồng trượt giá nào.
Nhược điểm của mô hình này là với các cặp giao dịch thanh khoản thấp, chu kỳ đấu giá sẽ diễn ra rất lâu, thời gian tùy thuộc vào sự tính toán của mô hình.
Sản phẩm
DBL DEX
Sàn giao dịch phi tập trung đầu tiên sử dụng mô hình “đấu giá kép".
Sản phẩm này giúp người dùng giao dịch các tài sản tiền mã hoá với mức chênh lệch giá bằng không.
Demo sản phẩm: https://dbldex.com/auctions
Công cụ và các chương trình khuyến khích cho các nhà cung cấp thanh khoản
Nhóm DLB DEX đang làm việc để phát triển các tài liệu tích hợp và công cụ dành cho các nhà cung cấp thanh khoản, nhà giao dịch và các nhóm phát triển.
Mở khoá các trường hợp sử dụng khác cho đấu giá kép
Nhóm DBL DEX còn mong muốn xây dựng bộ công cụ, thư viện cho việc áp dụng mô hình đấu giá kép trên nhiều loại sản phẩm Defi khác như phái sinh, đặt cược thể thao, NFTs,...
Nhận định cá nhân
Ý tưởng về một mô hình giao dịch mới như đấu giá kép là vô cùng thú vị, nó còn giải quyết được vấn đề mà nhiều sàn giao dịch khác trên thị trường đang gặp phải.
Tuy nhiên, trên phương diện một người dùng phổ thông, khi trải nghiệm bản demo của DBL DEX mình thấy khá nhiều điểm họ cần cải thiện, từ giao diện người dùng còn khá khó hiểu, các hướng dẫn vẫn còn khá mông lung, chưa rõ ràng.
Có thể thấy, DBL DEX sẽ còn một chặng đường rất dài để tối ưu hoá giao diện người dùng, tìm kiếm người dùng mới, giáo dục người dùng về việc sử dụng và lợi ích mà DBL DEX mang lại.
Team không nhắc gì đến mô hình doanh thu. Nhưng theo dự đoán, như bao sàn giao dịch khác, doanh thu của DBL DEX có lẽ sẽ chủ yếu là đến từ phí giao dịch.
Hi vọng sau khi đạt giải nhất trong hạng mục Defi Track của Solana Grizzlython, DBL sẽ được chú ý đầu tư và phát triển hoàn thiện hơn và đạt được những tham vọng phía trước của họ.
2. Sujiko
Á quân của Solana Grizzlython trong hạng mục DeFi với phần thưởng $25.000 đã gọi tên Sujiko.
Giới thiệu
Sujiko là giao thức phái sinh, tập trung vào việc kích hoạt các hợp đồng tương lai trên chuỗi cho các bộ sưu tập NFT có tính thanh khoản và giá trị cao. Nếu như trước đây các nhà đầu tư nhỏ lẻ không thể tiếp cận được các NFT này thì giờ đây Sujiko cho phép người dùng có thể bán khống và đầu cơ vào các NFT đó.
Hiểu một cách đơn giản thì Sujiko là giao thức giúp người dùng có thể long/short với đòn bẩy cho các bộ sưu tập NFT có giá trị cao. Điều này đã mở ra một thị trường mới mẻ và đầy tiềm năng.
Truy cập
Tất tần tật về Sujiko
Vấn đề đặt ra
Năm 2020-2021 đánh dấu những cột mốc đáng kinh ngạc của thị trường NFT. Những bộ sưu tập hàng triệu đô la được giao dịch, cùng với đó là khối lượng giao dịch, các nhà sưu tầm, nhà đầu tư, nghệ sĩ NFT cũng tăng lên một cách đáng kể. Điều này khiến cho NFT trở thành một phần không thể tách rời của nền công nghiệp tiền mã hoá.
Và khi thị trường ngày càng được mở rộng, giá cả các sản phẩm biến động, cùng với đó, những nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng muốn kiếm lời từ thị trường này, nhưng không thể tham gia mua một NFT hàng đầu cho mình, vì chúng quá đắt. Điều này thúc đẩy cho việc phát triển một thị trường mới, đó là thị trường phái sinh cho NFT.
Tuy nhiên, thị trường phái sinh cho NFT cũng gặp rất nhiều thách thức trong việc tạo thanh khoản, và quản lý rủi ro.
Sujiko là một trong rất nhiều dự án muốn dấn thân vào cuộc đua phái sinh cho thị trường NFT. Trên cơ sở đó, dự án cung cấp một giao thức giúp người dùng có thể bán khống NFT, nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể đầu cơ các NFT có giá trị lớn, sử dụng đòn bẩy cho các giao dịch của mình.
Giải pháp
Sujiko xây dựng một giao thức phái sinh tập trung vào việc quản lý rủi ro và giải quyết vấn đề thanh khoản.
Thanh khoản
Sujiko sử dụng công cụ thanh khoản kết hợp độc đáo từ nhiều công cụ khác nhau, gồm 3 phần chính:
vAMM (Virtual Automatic Market Maker - Tạo lập thị trường tự động ảo)
vAMM là cơ chế sử dụng thuật toán để xác định giá cả giao dịch của các NFT
vAMM cũng là nguồn thanh khoản chính khi Sujiko ra mắt. Về sau, vAMM sẽ chỉ cung cấp tính thanh khoản dự phòng khi các cơ chế bổ sung khác đi vào hoạt động.
Sổ lệnh giới hạn phi tập trung (Decentralised limit orderbook - DLOB)
DLOB là một sổ đặt lệnh ảo tồn tại trên chuỗi, cho phép một số loại lệnh được đặt ngoài các lệnh market (lệnh thị trường).
DLOB cung cấp điều này thông qua sự kết hợp của những “người khởi động - cranker” ngoài chuỗi và thanh toán trên chuỗi.
Người dùng có thể đặt các lệnh giới hạn đã được đăng ký trên chuỗi.
Sổ lệnh là tập hợp các lệnh giới hạn mà người dùng đã đăng ký, nó được lưu vào bộ nhớ ngoài chuỗi thông qua những người gọi là “worker”
Khi lệnh giới hạn của người dùng được khớp (ví dụ: thông qua lệnh thị trường từ người dùng hoặc khi giá niêm yết của vAMM được chuyển qua), những người khởi động ngoài chuỗi sẽ xử lý lệnh này tại chỗ và gửi giao dịch tới mạng để giải quyết trên chuỗi.
Những người khởi động ngoài chuỗi sẽ được thưởng một số tiền nhỏ sau khi xử lý các giao dịch.
Đấu giá JIT
Lệnh “market" được bán đấu giá trước khi được chuyển đến vAMM cốt lõi. Tổng quan về cách hoạt động của phiên đấu giá là:
Người dùng gửi một lệnh thị trường (market) - có thể là lệnh bán hoặc mua
Ban đầu, lệnh này được cố gắng khớp toàn bộ với lệnh bất kỳ trên sổ lệnh. Nếu không khớp được lệnh hoặc chỉ khớp một ít, số lượng còn lại sẽ được chuyển sang bán đấu giá.
Nó sẽ được đưa vào Phiên đấu giá. Giao diện bao gồm thời gian bắt đầu, giá khởi điểm cụ thể (giá oracle), giá kết thúc (giá báo vAMM) và thời lượng (cố định ở mức 5 giây).
Các nhà tạo lập thị trường (Market maker - MM) cạnh tranh để thực hiện đơn đặt hàng của người dùng với mức giá tốt hơn hoặc bằng giá đấu giá hiện tại.
Nếu không có MM nào khớp lệnh trong khoảng thời gian này hoặc có một phần được lấp đầy do đó số lượng còn lại, thì vAMM có thể khớp lệnh.
Bắt đầu ở phiên bản v1, Sujiko có 3 bản phát hành chính, được lên kế hoạch để giới thiệu từng cơ chế thanh khoản.
Oracle - nguồn cung cấp dữ liệu giá
Nguồn cung cấp dữ liệu giá chính xác và tin cậy là rất cần thiết đối với một dự án phái sinh. Chỉ cần có bất kỳ sai sót nào về về giá cũng ảnh hưởng không tốt đến trải nghiệm người dùng, ví dụ như thanh lý tài sản khi giá chưa về ngưỡng thanh lý.
Sujiko đang sử dụng Switchboard làm nhà cung cấp oracle khi ra mắt. Giao thức hỗ trợ Switchboard và Pyth.
Hiểu được tầm quan trọng của Oracle, Việc phát triển và đưa ra các nguồn cấp giá NFT đáng tin cậy sẽ được sử dụng ở Sujiko. Đội ngũ chia nó thành 3 phần để nghiên cứu:
Nhóm đã phát triển một chỉ số giá thông minh lấy cảm hứng từ Tensor. Dữ liệu này được cung cấp trên chuỗi bằng Switchboard.
Đường dẫn dữ liệu: Nhóm có một đường dẫn ETL lấy tất cả dữ liệu on-chain cho các thị trường NFT hàng đầu. Các điểm dữ liệu được gắn thẻ với loại hành động tương ứng của chúng (chẳng hạn như niêm yết, bán hàng) và được ánh xạ tới một định dạng chung để sử dụng ở nơi khác.
Lọc: Quá trình lọc diễn ra để tránh các giao dịch rửa tiền, bán rẻ để thao túng giá.
Đưa vào một mô hình: Sau khi lọc ra các giao dịch bán giá thấp, chúng ta có thể tính toán số liệu thống kê lượng tử về các giao dịch bán hàng còn lại.
Nhóm đang phát triển một cơ chế chuyển đổi danh sách trên chuỗi được tổng hợp trên các thị trường và AMM hàng đầu thành một sổ đặt lệnh nén có thể được đọc trên chuỗi và đưa vào chức năng thanh khoản ảo.
Một số nhà cung cấp nguồn cấp dữ liệu giá tồn tại cho các bộ sưu tập NFT trên ETH, chẳng hạn như Blur. Sujiko đang thảo luận với các nhóm để đưa dữ liệu này lên Solana.
Để quản trị rủi ro đội ngũ Sujiko đưa ra những giới hạn:
Có kích thước giới hạn cho mỗi người dùng và mỗi thị trường khác nhau
Người dùng không thể gửi lệnh hơn 5% thông qua DLOB.
Các lệnh giảm quá nhiều trong sổ lệnh sẽ bị giới hạn giá ở mức giá giới hạn.
Điều này có nghĩa là có thể được thực hiện một phần lệnh thị trường nếu tính thanh khoản thấp so với quy mô của lệnh.
Cần có tỷ lệ bảo trì mở và ban đầu cao khi ra mắt.
Quá trình kiểm tra để niêm yết các hợp đồng phái sinh mới cho các bộ sưu tập.
Sản phẩm
Sàn giao dịch phái sinh NFT
Sàn giao dịch cho phép người dùng long/short NFT hàng đầu với đòn bẩy.
Tương lai có thể mở rộng ra với các thị trường phái sinh token.
Mô hình doanh thu
Doanh thu chủ yếu sẽ đến từ phí giao dịch của người dùng. Sujiko sẽ thu khoảng 0.1% - 1.5% cho mỗi lệnh giao dịch.
Nhận định cá nhân
Sự phát triển của thị trường phái sinh NFT là không thể chối cãi, mình tin chắc nó sẽ bùng nổ trong thời gian không xa.
Bằng cách tiếp cận khôn ngoan, Sujiko tập trung vào thanh khoản và quản trị rủi ro cho nền tảng của mình, cùng với đó là bệ đỡ sau Solana Grizzlython khi đạt giải nhì hạng mục Defi, nếu tận dụng tốt và đi đúng lộ trình, Sujiko có thể trở thành một “tay chơi" đáng gờm trong phân khúc của mình.
3. Arbon
Đây là dự án đạt giải ba với phần thưởng $20.000 trong hạng mục Defi
Giới thiệu
Arbon là dự án cải thiện thị trường carbon sử dụng nền tảng web3 và trí tuệ nhân tạo (AI)
Thị trường carbon hay còn gọi là thị trường trao đổi tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính (hay tín chỉ carbon) là một loại hình thị trường mà hàng hóa được mua và bán trong thị trường là lượng khí nhà kính được cắt giảm của một đơn vị phát thải/hấp thụ khi hoạt động giữa Bên mua và Bên bán.
Arbon sử dụng nền tảng NFT để tạo hệ thống khuyến khích xây dựng mạng lưới quản lý, điều phối việc bảo vệ rừng địa phương. Thêm vào đó, Arbon ứng dụng mạng Oracle hỗ trợ việc hiển thị và minh hoạ trên máy tính về các phép đo đạc mật độ rừng trồng trên các mảnh đất (được đại diện bằng NFT) mà người dùng sở hữu; đồng thời đưa ra báo cáo, xác minh các phép đo đạc đó một cách chính xác mà không cần phải sử dụng dịch vụ của bên thứ 3.
Vấn đề đặt ra
Thị trường bù đắp carbon tự nguyện (VCO) hiện tại đang vướng phải những vấn đề như: tính trùng lặp và chồng chéo giữa các dự án, dữ liệu phải được thông qua các chuyên gia có chuyên môn nhưng chi phí thuê họ thường rất cao, không có chỗ cho những người chơi nhỏ chưa có kinh nghiệm, dữ liệu cục bộ thực tế khó truy cập để báo cáo,...
Từ những vấn đề tồn tại của thị trường carbon, Arbon ra đời để tìm hướng đi công nghệ mới giải quyết những vấn đề kể trên.
Giải pháp
Arbon kết hợp Al, tự động hóa với xác thực Web3 oracle phi tập trung và thị trường phần thưởng token cho:
• Xác thực dữ liệu đồng thuận tự động
• Kết quả được ghi lại một cách minh bạch trên blockchain
• Xử lý tốc độ cao
Từ đó đạt được sự đổi mới đột phá:
• Chi phí thấp hơn đáng kể
• Dữ liệu chính xác hơn
• Kết quả có thể kiểm chứng dễ dàng đối với mọi đối tượng (bao gồm cả khách hàng là các nhà bán lẻ!)
Cụ thể hơn về những sự kết hợp này diễn ra như thế nào? Chúng ta sẽ đi sâu hơn về cách hoạt động của mạng lưới Arbon.
Sự đổi mới cốt lõi của Arbon là phối hợp việc bảo vệ rừng bằng cơ chế thị trường.
Nền tảng Web3 của họ được xây dựng trên các thị trường đã hoạt động hiệu quả. Các ưu đãi token được xây dựng trên giá trị từ thế giới thực.
Tất cả được phối kết hợp và thực hiện như sau:
Nhìn chung, người tham gia vào Arbon có thể là bên mua hoặc bên bán tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính (hay tín chỉ carbon). Họ có thể là người sử hữu đất thật, trồng rừng thật trên đất của họ để tạo ra tín chỉ carbon. Mật độ cây được trồng càng cao, lượng giảm phát thải khí nhà kính càng nhiều, mảnh đất đó càng có giá trị trao đổi lớn. Sau đó, họ có thể bán cho bên có nhu cầu mua lại tín chỉ của họ.
“Người quản lý” những vùng đất được gọi là “Người tạo ra VCO (Voluntary Carbon Offset - đền bù carbon tự nguyện) ”, họ sẽ nhận về NFT đại diện cho mảnh đất mình sở hữu từ mạng lưới Arbon.
“Người quản lý” có thể dễ dàng trao đổi, mua bán NFT đại diện cho mảnh đất của mình theo giá thị trường một cách đơn giản.
Nếu không muốn bán mảnh đất của mình, người quản lý có thể tạo ra thu nhập bằng cách trồng và bảo vệ rừng trên mảnh đất đó.
Thông qua ảnh vệ tinh của bên thứ 3, hệ thống mạng lưới oracle của Arbon sẽ đánh giá % rừng trồng và xác nhận nó.
COT(Carbon Offset Token) token - 1 dạng tín chỉ carbon, sẽ được phát hành cho mảnh đất theo % xếp hạng từ oracle
“Người quản lý" có thể mua bán token này trên thị trường carbon thông qua sàn giao dịch phi tập trung trên mạng lưới của Arbon
“Người bù đắp" hay là người mua VCO có nhu cầu mua tín chỉ carbon sẽ mua lại các COT token này.
Khi “Người bù đắp" đốt những COT token này nghĩa là họ sẽ sử dụng chúng và có thể xác minh và báo cáo một cách minh bạch cho việc làm của mình.
Đương nhiên về phía người dùng sẽ chỉ sử dụng một giao diện hết sức đơn giản và tiện lợi, mà không cần phải nắm bắt những quy trình phức tạp ở trên.
Như vậy, với quy trình trên, Arbon đã xây dựng một hệ sinh thái minh bạch, chi phí thấp và dễ sử dụng để tạo và tiêu thụ VCO.
Sản phẩm
Nền tảng giao dịch NFT và token
Nền tảng cho phép người dùng giao dịch mua bán token COT và các NFT đại diện cho mảnh đất do mình quản lý.
Mạng lưới Oracle
sản phẩm giúp hỗ trợ việc đánh giá, xác nhận % rừng trồng của những “người quản lý", từ đó phát hành lượng COT token phù hợp cho họ.
Nhận định cá nhân
Arbon đã và đang giải quyết một vấn đề rất thực tế trong thế giới thực. Ứng dụng Blockchain để minh bạch hoá và tối ưu hoá chi phí cho việc tạo và tiêu thụ VCO.
Ngoài ra, mạng lưới Arbon còn có thể tiến vào các thị trường khác với các vấn đề tương tự:
• Tín dụng đất ngập nước - Thị trường 1 tỷ đô la, có thể tái sử dụng 90% Công cụ Lâm nghiệp
• Sinh thái biển (tràn nước, xử lý ô nhiễm ven biển,..)
• Lĩnh vực bảo hiểm (tuân thủ có thể kiểm chứng để giảm phí bảo hiểm)
• Quy định/cấp phép của chính phủ (xây dựng, nhà ở,.)
Tuy nhiên, thực tế triển khai mình nghĩ cũng sẽ vướng phải khá nhiều thách thức về các quy định, xác minh dữ liệu,.. Vậy nên đây là một dự án cần sự đầu tư mạnh, xử lý nhiều vấn đề ngoài kỹ thuật, nhưng cũng đầy tiềm năng phát triển.
4. Slide Labs
Đây là dự án đạt giải tư với phần thưởng $15.000 trong hạng mục Defi
Giới thiệu
Trong thị trường tiền mã hoá truyền thống, khái niệm nền tảng giao dịch xã hội (social trading) đã không còn là ý tưởng xa lại. Đây là một nơi kết nối các nhà giao dịch, cho phép người dùng sao chép các lệnh hoặc đầu tư cùng với các nhà giao dịch giàu kinh nghiệm nhất. Tuy nhiên trong thị trường phi tập trung thì chưa có nhiều dự án khám phá lĩnh vực này. Slide Trade ra đời chính là để phát triển ý tưởng về mạng mạng giao dịch xã hội trên thị trường phi tập trung mà không cần phải trả phí cao.
Truy cập:
Trang chủ
https://trade.slidelabs.xyz/
Vấn đề đặt ra
Các nền tảng giao dịch xã hội tập trung dù đã ra đời từ lâu nhưng vẫn tồn tại những vấn đề chưa thể giải quyết được do nhiều yếu tố, nhiều vấn đề là bản chất của sự tập trung hoá:
Người dùng phải giữ tài sản trên sàn giao dịch tập trung
Mức nạp tối thiểu khá lớn, tuỳ vào yêu cầu của sàn giao dịch
Mất phí cho việc rút tiền, một số nền tảng giao dịch xã hội yêu cầu một khoản phí khi người dùng muốn rút tiền ra khỏi nền tảng của họ.
Nhiều nền tảng giao dịch xã hội lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dùng
Tính xác thực: Khó có thể xác thực các tín hiệu từ người được theo dõi là của họ hay là đi sao chép từ một nhóm tín hiệu khác
Khó nhận được tín hiệu mà nhà giao dịch gửi, mở giao dịch, tạo điểm vào, và theo dõi các hoạt động cho đến khi nó được hoàn tất.
Chính người sáng lập Slide labs cũng là nạn nhân trong một cuộc lừa đảo thông qua ứng dụng giao dịch xã hội, khi người mà anh ấy theo dõi đã lấy mất tiền anh ấy gửi vào giao dịch. Đó cũng là động lực để nhà sáng lập phát triển nền tảng Slide Labs.
Slide labs xuất hiện để giải quyết những vấn đề hiện có từ thị trường như đã liệt kê ở trên, mang lại một nền tảng giao dịch xã hội hiệu quả, an toàn và chi phí thấp.
Giải pháp
Slide Labs đưa ra những cải tiến mới trong nền tảng của mình như:
Các tín hiệu khác nhau từ các giao dịch khác nhau đều có lịch sử ngay trong ứng dụng.
Hoàn toàn tự động, bot quản lý mọi hoạt động mà không cần sự trợ giúp của con người.
Tất cả số tiền gửi vào tiền đều được theo dõi.
Tiền không được giữ bởi nhà giao dịch.
Giao tiếp nhanh trong nền tảng, cho phép người dùng xem trạng thái danh tiếng và các nhận xét, đánh giá chuyên gia mà người dùng đang muốn theo dõi. Người dùng còn có thể nhắn tin trực tiếp với các nhà giao dịch.
Người dùng có thể bắt đầu giao dịch từ $1.
Chi phí thấp.
Hơn nữa, Slide Trade hướng đến tính bảo mật và dễ sử dụng, giúp trải nghiệm giao dịch dễ tiếp cận và minh bạch hơn cho tất cả người dùng.
Sản phẩm
Slide trade
Nền tảng giao dịch xã hội hỗ trợ người dùng đầu tư, sao chép và kiếm tiền với các nhà giao dịch hàng đầu.
Nhận định cá nhân
Nền tảng giao dịch xã hội là một lĩnh vực giúp cho các nhà đầu tư không chuyên có thể tiếp cận các loại tài sản tiền mã hoá dễ dàng hơn.
Với một nền tảng giao dịch xã hội chất lượng, minh bạch, an toàn, cùng với lượng nhà giao dịch chuyên nghiệp lớn sẽ giúp các nhà đầu tư không chuyên kiếm tiền mà không mất nhiều thời gian và công sức, từ đó có thể mở rộng thêm một tệp người dùng lớn.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra cho Slide vẫn là làm sao để tìm kiếm được những nhà giao dịch chuyên nghiệp, hoặc làm sao để các nhà đầu tư chuyên nghiệp tìm đến họ, từ đó nâng cao chất lượng nền tảng và mở rộng lượng khách hàng của mình.
Là một lĩnh vực tiềm năng nhưng cũng đi kèm vô số thách thức, Slide labs sẽ còn rất nhiều việc phải làm cho chặng đường phía trước của mình.
5. DefiOs
Đây là dự án đạt giải năm với phần thưởng $10.000 trong hạng mục Defi
Giới thiệu
Đối với người dùng phổ thông, các bạn có thể nghe về mã nguồn mở khi tìm hiểu các dự án tiền mã hoá, đa số các dự án sẽ công khai mã nguồn của mình cho cộng đồng. Đối với các lập trình viên, việc sử dụng, đóng góp cho các dự án thông qua các mã nguồn mở cũng không mấy xa lạ. Tuy nhiên việc cộng tác mã nguồn mở hiện tại đang gặp phải khá nhiều vấn đề, ảnh hưởng đến lợi ích người đóng góp cũng như dự án được phát triển thông qua mã nguồn mở.
Từ đó, DefiOs mở ra một cách thức bảo trì mã nguồn mở tự nhiên, tập trung vào các vấn đề cần sửa đổi và khuyến khích mọi người đóng góp cho các dự án thông qua cơ chế tiền thưởng đôi bên đều có lợi.
Vấn đề đặt ra
Quy trình bảo trì cho các phần mềm mã nguồn mở đang không hiệu quả, thậm chí là bị đứt quãng do những rào cản sau:
Ưu tiên vấn đề
Người sử dụng mã nguồn mở thường không thể liên hệ với chủ sở mã nguồn mở đó và thuyết phục họ ưu tiên giải quyết vấn đề mà dự án của họ đang gặp phải. Mức độ minh bạch và đáng tin cậy của chủ sở hữu mã nguồn mở cũng là một vấn đề khó xác định.
Tìm kiếm thêm người phát triển mã nguồn
Rất khó cho những người bảo trì (có thể là chính người tạo ra, hoặc người được uỷ quyền để quản lý mã nguồn mở) tìm kiếm, tích hợp, khuyến khích và sắp xếp những người phát triển mới cho dự án của họ.
Ngoài ra các vấn đề tồn tại còn ảnh hưởng đến các công ty sử dụng mã nguồn mở:
Các cơ sở mã code của nhiều công ty được đan xen chặt chẽ với các liên kết của nguồn mở. Từ những liên kết đó, các lỗ hổng bảo mật có thể bị xâm nhập, dẫn đến tổn thất kinh doanh.
Đối với các phần phụ thuộc vào nguồn mở, khi các công ty tìm kiếm lợi nhuận bằng cách giảm quy mô đội ngũ, sự bất ổn định của sản phẩm sẽ xuất hiện từ việc bảo trì nội bộ không đúng cách.
Vậy DefiOs đưa ra những giải pháp gì để giải quyết những tồn đọng này của mã nguồn mở?
Giải pháp
DefiOs giải quyết các vấn đề của mã nguồn mở bằng cách:
Cho phép dự án token hoá mã nguồn mở của mình trong vòng 5 phút, và bắt đầu giới thiệu để thu hút người đóng góp mới hoặc người dùng tiềm năng.
Người dùng có thể treo thưởng token dự án của mình để các nhà phát triển cạnh tranh nhau, cùng đưa ra giải pháp cho các vấn đề về mã nguồn mở đang được đặt ra.
Khi nhiều nhà phát triển cạnh tranh nhau và gửi đi giải pháp của mình, giao thức sẽ phát hiện ra một mức giá hợp lý cho các khoản đóng góp ấy.
Với những giải pháp kể trên, DefiOs đã tạo ra lợi ích thực tế:
Giảm thiểu các đợt phân nhánh và triển khai mã nguồn riêng lẻ
Hình thức bình chọn qua phiếu bầu và đặt cược token thúc đẩy lộ trình dự án sẽ giúp tạo ra sự đồng thuận lớn hơn trong cộng đồng.
Duy trì sự liên kết chặt chẽ
DefiOS đưa ra các lỗ hổng ẩn trong các nhánh phụ thuộc cấp hai và cấp ba trong mã nguồn, đồng thời thu hút sự chú ý của các nhà tài trợ quan tâm đến việc xây dựng và vá lại các lỗ hổng đó.
Tiền thưởng từ mã nguồn mở
Khi sử dụng Defios, bất kỳ ai cũng có thể nhúng tiền thưởng được mã hóa vào các sự cố GitHub để nhà phát triển giải quyết công khai bằng cách gửi giải pháp của mình.
Sản phẩm
Nền tảng DefiOs
sản phẩm cho phép người dùng gửi dự án mã nguồn mở của mình, tìm kiếm người phát triển, đặt tiền thưởng cho những lỗi mà người dùng khác báo cáo.
Người dùng khác cũng có thể tìm kiếm các dự án được gửi lên, tìm lỗi, gửi bản chỉnh sửa và nhận thưởng xứng đáng cho những đóng góp của mình.
Nhận định cá nhân
Đây là dự án hết sức thực tế, dự án chưa chia sẻ về cách tìm kiếm doanh thu, tuy nhiên tiềm năng doanh thu của họ có thể đến từ việc chia sẻ tiền thưởng từ người nhận thưởng khi đóng góp cho dự án, hoặc phí sử dụng cho các công ty, dự án muốn sử dụng DefiOs. Như vậy mô hình doanh thu không phải là vấn đề, chỉ cần đội ngũ tiếp tục phát triển và tối ưu hoá mọi hoạt động trên nền tảng, thì mình tin đây là một dự án mà nhiều công ty, dự án và lập trình viên muốn sử dụng.
Kết luận
Trên đây là top 5 dự án dành chiến thắng trong hạng mục Defi của sự kiện Solana Grizzlython, ngoài ra có một số dự án được ban giám khảo đánh giá cao nhưng rất tiếc chỉ có 5 giải cho 5 dự án xuất sắc nhất, nên không thể trao thêm giải cho họ.
Pascal
Rebirth
SDX
Resynth
Robox
Root Protocol
Hi vong những phân tích và thông tin về top 5 dự án đạt giải Defi Track của sự kiện Solana Grizzlython mang lại nhiều hữu ích và góc nhìn về các ý tưởng mới cho bạn đọc. Xin chào v hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo.